Công ty du lịch tại Hà Nội cam kết chất lượng đến cùng

Truyền thuyết hoa Dã Quỳ

Hoa dã quỳ, các tên gọi, các nơi có nhiều hoa dã quỳ

Dã quỳ còn được biết đến với nhiều tên gọi như cúc quỳ, hướng dương dại. Mùa hoa dã quỳ đẹp nhất vào giữa tháng 11. Hoa dã quỳ bắt đầu nở vào đầu tháng 10 báo hiệu mùa khô đã đến. Là loài hoa của nắng, dã quỳ sống giữa đại ngàn, chẳng ai trồng, cũng không ai vun bón, nhưng vẫn tự tin vươn mình khoe sắc. Loài hoa này thu hút bao ánh nhìn và níu chân lữ khách đi đường, đắm chìm say mê trước thảm hoa khoe sắc vàng rực.

Hoa dã quỳ có ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng và nhiều ở núi lửa Chư Đăng Ya cách thành phố Pleiku 15 Km (ở đây hàng năm có tổ chức lễ hội hoa dã quỳ) và vùng núi Tây Bắc đặc biệt là ở Điện Biên, ở Hà Nội có khu vực núi Ba Vì nhiều hoa dã quỳ

Truyền thuyết hoa Dã Quỳ

Ở các buôn làng Tây Nguyên, nhiều già làng lưu giữ truyền thuyết về loài hoa này. Theo truyền thuyết được đồng bào bản địa Tây Nguyên truyền miệng bao đời nay, ngày ấy, có nàng H’Linh và chàng K’Lang yêu nhau tha thiết. Ngày ngày chàng vào rừng săn bắn, nàng ở nhà xe sợi dệt chăn. Đêm về họ đốt lửa múa hát, sống những ngày tháng hạnh phúc.

Một buổi sáng nọ, K’Lang vào rừng đến tối không thấy về, nàng H’Linh băng rừng vượt suối đi tìm. Trong giấc ngủ thiếp đi giữa rừng vì mệt, nàng mơ thấy K’Lang. Tỉnh dậy nàng theo giấc mơ đến con suối và đau xót khi thấy K’Lang bị trói chặt, trên người đầy mũi tên.

Larihn- con trai tộc trưởng Lasiêng vì quá yêu H’Linh, nung nấu ác tâm chia cách hai người. Trong cơn hận tình hắn bắn mũi tên vào người K’Lang nhưng vô tình lại trúng H’Linh. Mũi tên oan nghiệt khiến nàng gục chết trong tư thế quỳ, vòng tay vẫn còn ôm chặt K’Lang. Về sau, nơi đôi uyên ương chết mọc lên một loài cây, hoa có màu vàng rực, bà con đặt tên là dã quỳ.

Nếu hữu ích xin bạn click quan tâm để ủng hộ
Truyền thuyết hoa Dã Quỳ đạt 4.14 / 5 với 14 đánh giá